Đan cốt hai màu

Đan cốt rất hay được sử dụng đan cho nam, hoặc dùng khi đan gấu, nẹp,… Đan cốt tạo ra những hoa văn sọc của chính mũi len, bạn cũng có thể cải màu để những sọc đó vừa là sọc của mũi len lại vừa là sọc của màu. Đan cốt hai màu có thể áp dụng cho cả cốt thường 1 thuận 1 nghịch và cốt nổi gân. Sẽ có một bài riêng về Cốt nổi gân hai màu nhé, còn sau đây là cách đan cốt hai màu thông thường:

Một số lưu ý:

Nếu bạn cầm len bên tay phải, bạn sẽ hơi mất công đan mỗi vòng len bằng một màu len với một mũi đan lại một mũi nhấc, hoặc là muốn đan cùng lúc các mũi đan bạn cũng hơi mất công nhấc từng màu len một.

Hãy gắng học cách cầm len cả bên tay trái, như vậy bạn có thể đan cùng lúc các mũi đan và cải màu cũng dễ hơn.

Nếu bạn không đan quây mà là đan hai kim thông thường, bạn vẫn có thể đan cốt hai màu, chỉ lưu ý là mũi nào mặt trái bạn đan mũi nghịch thì mặt phải bạn đan mũi thuận giống như đan cốt thông thường, chú ý vắt len sao cho nó không bị lẫn màu nhau, sợi len vắt không đúng có thể làm cho sọc màu bị chen ngang một mũi khác màu. Bạn để ý sẽ thấy: mũi nhấc và mũi đan khác chiều đan (thuận/nghịch) thế nên khi đan xong một mũi đan thuận bạn nhớ vắt len sang mặt bên kia để còn nhấc mũi nghịch, sau đó lại vắt len trở lại để đan mũi thuận. Tương tự bên mặt trái cũng vậy.

Đan cốt thông thường 1 thuận 1 nghịch có thể cải 2 màu trong cả cách đan quây và đan thường 2 kim. Nhưng đan cốt nhiều hơn 1 mũi như 2 thuận 2 nghịch chẳng hạn thì chỉ có thể cải 2 màu trong đan quây mà thôi vì nó tạo ra những vắt len dài ở mặt trái. Tuy nhiên trong trường hợp không phải là đan khăn mà đan gì đó có mặt trái không lộ ra thì bạn cũng có thể áp dụng đan cốt hai màu được, như gấu áo chẳng hạn.

 

About tu2bantayme

... nảy mầm hạnh phúc nhỏ xinh!
This entry was posted in Đan and tagged . Bookmark the permalink.

3 Responses to Đan cốt hai màu

  1. theo mình thấy đây là kiểu đan một lên một xuống, đan cốt luôn phải chia hết cho ba cơ mà bạn ơi…

    • tu2bantayme says:

      Mình có tìm hiểu về từ cốt, hình như nó xuất phát từ tiếng Pháp, có một từ đồng âm như thế và có nghĩa là gân, sọc, cột, khe, dải dài,… Trong tiếng Anh kiểu đan xen kẽ luân phiên đều đặn k và p như thế (có thể 1k, 1p, cũng có thể 2k, 2p,… hoặc nhiều hơn nữa) người ta cùng gọi là ribbing. Mình gọi chung nó là đan cốt. Chỉ là cốt thường, hay cốt nổi gân (khi đan đến dòng thứ 2 trở đi thì số mũi chia hết cho 3, nhưng dòng 1 có thể bắt mũi đan như đan bình thường). Có một số kiểu cốt cách điệu đẹp, vì ngoài tạo sọc gân nó còn tạo khe lỗ,… Đôi khi chính những sọc gân có hoa văn.
      Trước mình có soạn khá nhiều bài lý thuyết đan móc trong danmoc.com, các thuật ngữ có thống nhất và bài bản hơn, vì chuyển đổi nhà cửa nên mình đã làm mất dữ liệu rồi, tiếc là mình chưa soạn lại được chi tiết, giờ cứ tiện tới mẫu nào hay post thì soạn một chút lý thuyết cho người mới học dễ hiểu thôi.

      Nói tóm lại là đôi khi chỉ là cách gọi (thuật ngữ) khác nhau thôi. Tuy nhiên mình rất cảm ơn bạn nếu cái gì mình sai bạn cứ chỉ ra hộ mình nhé, vì mình hoàn toàn tự học online nên không có nhiều kinh nghiệm như học truyền tay như bạn!

      • hì, mình cũng không có kinh nghiệm lắm đâu, chủ yếu là mua sách kiểu về, làm theo, sau đó lên mạng tìm hiểu thôi… rất vui được biết trang của bạn, mình cũng rất yêu đan và móc

Leave a comment